Tuần qua, nhiều người Hà Nội đã rất bất ngờ với một sân khấu ca nhạc mới xuất hiện tại sân Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa.
Điều bất ngờ hơn là người đứng ra chủ trì sân khấu này lại là nghệ sỹ Thanh Hoa - người đã từng tạo ra sân khấu phòng trà Aladin nổi tiếng. Chị trở lại chỉ với mong muốn là được hát và tạo một tụ điểm văn hóa cho những người yêu ca nhạc Hà thành.
Niềm đau đáu nhớ Aladin xưa...
NSND Thanh Hoa cho biết, đêm nhạc "xuất thần" cuối tuần qua gần như không được chuẩn bị trước. Chị và nhóm cộng tác chỉ có 4 ngày để thực hiện các công đoạn từ in vé, chuẩn bị băngrôn, xin giấy phép, dựng sân khấu...
NS ND Thanh Hoa tâm sự: "Tôi và chị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ đã nung nấu ý định này từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Tôi vẫn mong có một tụ điểm ca nhạc đích thực. Ở đó, người ta sẽ chỉ đến để nghe hát chứ không phải đến để xem diễn. Còn người hát thì hát bằng trái tim và tâm hồn chứ không hát để trình diễn hay đòi cátsê. Trước dịp 20/10, tôi có trở lại Bảo tàng và ý định này ngay lập tức được chúng tôi quyết định sẽ khai mạc sân khấu ca nhạc này vào đúng ngày 20/10 như một món quà dành tặng chị em phụ nữ. Tôi cũng không ngờ rằng, khi ý tưởng được quyết định và 300 vé in xong thì bán hết ngay lập tức".
NSND Thanh Hoa cho biết: Sau 17 năm hoạt động, phòng trà mang tên Aladin của chị đã phải đóng cửa vì nhiều lý do. Từ khi Aladin ngừng hoạt động, trong chị luôn đau đáu mong muốn mở lại được một không gian âm nhạc mang đúng tinh thần của phòng trà Aladin xưa. Không chỉ chị mà nhiều người quen cũng như những khách "ruột" của Aladin cũng khao khát được nghe những giọng hát đích thực mà Aladin đã một thời tạo dựng được thương hiệu.
Chính từ phòng trà ấy, nhiều tên tuổi như Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đức Long... đã để lại ấn tượng đẹp cho người yêu ca nhạc của Hà thành. Hơn nữa, "Người đàn bà hát" luôn mong được mang giọng hát của mình để phục vụ công chúng yêu nhạc cho dù tuổi đời và tuổi nghề của chị được xem là đã ở phía bên kia con dốc. Và chị đã tìm được một nơi đáp ứng được những ước mơ của mình. Theo chị, khuôn viên của Bảo tàng Phụ nữ khá rộng rãi, vị trí này lại nằm ở khu vực trung tâm nên sẽ khắc phục được rất nhiều điểm yếu trước đây khiến Aladin không thể tiếp tục duy trì.
Sau đêm diễn ở Bảo tàng Phụ nữ vừa qua, chị phấn khởi "khoe": "Tiếp nối tinh thần của phòng trà Aladin nhưng sân khấu ca nhạc này sẽ được đổi tên thành "Tình khúc muôn đời". Với cái tên này, tôi nghĩ nó thi vị, lãng mạn hơn... Tôi mong muốn sẽ tạo được một tụ điểm văn hóa lành mạnh. Trong đêm diễn đầu tiên, tôi vừa hát vừa kiêm làm MC. Ngoài ra, tôi đã mời được một số ca sỹ như Hồng Liên, Ngọc Ký, Thu Huyền... Chúng tôi đã hát bằng tất cả trái tim của người nghệ sỹ trong hơn 2 tiếng liền, riêng tôi đã hát 4 bài. Đến hơn 10h mà khán giả vẫn không chịu về và còn muốn được nghe hát tiếp. Tôi mừng lắm!".
Sân chơi phụ thuộc ở khán giả
Sau đêm diễn đầu tiên của "Tình khúc muôn đời", NSND Thanh Hoa giờ đây đang trong tâm thế tràn đầy nhuệ khí. Người ta lại được nhìn thấy một ca sỹ "Tàu anh qua núi" như chưa từng mệt mỏi...
Chị nói trong tâm trạng vui mừng: "Vé của chúng tôi chỉ có 100.000 đồng lại bao gồm cả đồ uống. Tôi nghĩ, với mức giá này sẽ có rất nhiều người có thể đến với sân khấu "Tình khúc muôn đời". Vào thời điểm Aladin hoạt động, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người Hà thành chưa cao. Tôi nghĩ, nhu cầu ấy bây giờ đã thay đổi. Chúng tôi đang dự kiến sẽ tổ chức các đêm nhạc chuyên đề vào các thứ 7 hàng tuần và hy vọng sẽ tổ chức được hàng ngày. Tôi và phía Bảo tàng cũng đã thống nhất không tăng giá vé quá 150.000 đồng. Đối với những đêm nhạc có mời các ca sỹ đặc biệt thì giá vé có thể tăng thêm phần phụ phí nhưng cũng sẽ không quá cao. Tuy nhiên, có duy trì giá vé đó được hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào khán giả. Với tôi, đủ chi phí là may lắm rồi!".
Nghe Thanh Hoa nói về "Tình khúc muôn đời", ai cũng hiểu chị đang dồn một tình yêu lớn vào đó và hoàn toàn không mong đợi bất cứ vụ lợi nào. Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng cho chị bởi mức giá vé cho một buổi biểu diễn ca nhạc mà "Tình khúc muôn đời" thu về đang quá thấp. Cứ cho rằng chị bán hết 300 hay 500 vé cho 1 đêm diễn thì số tiền vài chục triệu thu về cũng sẽ rất khó khăn để trang trải cho tiền loa đèn, âm thanh, in ấn, trả cát sê cho các ca sỹ... và cả tiền cho đồ uống.
Trước những băn khoăn này, Thanh Hoa trấn an và nói về dự định sắp tới: "Đến với Thanh Hoa, có ai vì tiền đâu! Họ đều hát bằng nhiệt huyết. Họ thường chỉ lấy 50% cát sê so với ở ngoài. Có khi ca sỹ hát đến 10 bài nhưng số tiền nhận cũng chỉ có thế nhưng họ vẫn vui vẻ... Tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức chuyên đề nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ mời ca sỹ Minh Thế - một gương mặt rất trẻ tham gia vào đêm diễn. Chúng tôi dự kiến sẽ chia các đêm diễn thành 2 phần chính. Phần đầu là các ca sỹ hát theo chuyên đề, còn phần thứ 2 là các ca sỹ hát theo yêu cầu của khán giả...".
Mặc dù nhiệt huyết của người Nghệ sỹ Nhân dân này dành cho "Tình khúc muôn đời" đang căng tràn trong lồng ngực chị, nhưng ai cũng hiểu, chị cũng có phần lo lắng. Với số tiền thu về quá thấp, liệu chị có thể khiến sân khấu này tồn tại được lâu dài? Trong khi đó, mỗi đêm diễn cần tới mấy chục người phục vụ. Tuy nhiên, có lẽ đúng như chị nói: "Sân khấu tồn tại được hay không là nhờ khán giả" bởi tình yêu, nhiệt huyết của những người nghệ sỹ chân chính ở "Tình khúc muôn đời" đã được khẳng định, chỉ chờ sự đón nhận của công chúng yêu nhạc Thủ đô. Ai cũng hy vọng, người Hà Nội giờ đã có thói quen thưởng thức âm nhạc thường xuyên hơn sau mỗi ngày lao động mệt mỏi.

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top