Những tưởng với thành công và cả những “xì xèo” của mùa giải đầu tiên sẽ giúp chương trình The Voice – Giọng hát Việt năm 2013 diễn ra như mọng đợi của nhà đài. Song, sức lan tỏa của The Voice Kids – Giọng hát Việt nhí cùng thời điểm đã “đè bẹp” đàn anh. Ấy vậy, kể cả khi đàn em thi xong, “con voi” game show này vẫn dậm chân tại chỗ và lòi ra đuôi chuột, đủ cho thấy nguyên nhân không chỉ do Vocie Kids soán ngồi, mà còn nhiều hơn thế nữa.

Chất lượng thí sinh trong The Voice 2013 ngay từ khi lên sóng đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của khán giả truyền hình và thậm chí là cả giới chuyên môn. Dẫu biết cuộc thi hát nào cũng thế, vì đơn giản thí sinh là nhân vật chính tạo nên độ hấp dẫn của chương trình. Song, không so với các cuộc thi khác, mà chỉ cần đặt lên bàn cân với mùa giải năm trước, độ chênh lệch quá lớn mà các báo đề cập tới suốt những ngày qua cũng đủ khiến khán giả ngáp ngắn, ngáp dài khi gắng gượng xem chương trình giải trí Việt Nam “hấp dẫn” hiếm hoi dịp cuối tuần.
 
Không trông đợi nhiều vào thí sinh thì yếu tố còn lại gây nên tính bất ngờ và sự chờ đợi của khán giả chính là các huấn luyện viên. Nhưng những màn “đá đểu” quen thuộc kiểu “đến giờ rồi mà quên uống thuốc” lặp lại nhiều lần hay dùng môi cứu thí sinh (hẳn là không “hot” bằng việc dụ thí sinh bằng kim cương!) và sự tung hứng, đối đáp giữa các “ngôi sao” ngồi trên ghế nóng (dù cố đóng cho tự nhiên) cũng trở nên khiên cưỡng, khiến fan ruột mùa đầu từ “đau tim” vì cắn phải hạt sạn trong kịch bản đến  không còn mong chờ điều bất ngờ gì sắp xảy tới.
 
 
Chưa cần bàn tới chất lượng chuyên môn thì đối với chương trình giải trí như The Voice, thì ngay cả các phần nhận xét thí sinh sau mỗi phần biểu diễn, các huấn luyện viên cũng chẳng mấy khi đề cập tới điều này! Sự ngán ngẩm của khán giả phần nhiều là do cách tổ chức chưa xứng với quy mô và xứng với khung giờ vàng phát sóng trên kênh đài truyền hình quốc gia.
 
Âm thanh sao quá tệ?
 
Nếu việc đánh giá chuyên môn giữa những người chuyên nghiệp và nghiệp dư thường trái chiều là điều bình thường thì yếu tố kỹ thuật như âm thanh và hình ảnh lại phản ánh một chất lượng kém cỏi mà nếu ai đã xem phiên bản The Voice quốc tế đều có thể thấy. Nếu như các khán giả đi xem trực tiếp được hòa mình và phấn khích với các phần biểu diễn bao nhiêu thì những người ngồi trước màn hình TV lại phải căng tai, mắt bấy nhiêu để nghe được rõ lời, xem được rõ mặt người hát. Chị Dương ở La Khê, Hà Đông chia sẻ: “Nhiều nốt trầm của các thí sinh không biết là đang hát gì nữa. Tưởng do thí sinh đó hát dở nhưng khi hỏi bạn mình ở TP. HCM đi xem trực tiếp thì thấy bảo nghe rõ từng lời”. Điều này cũng đã từng trở thành một “cơn bão” trên các mạng xã hội khi so sánh clip của nhà đài với các bản fancam (do fan quay). Độ rõ nét của cả hình ảnh lẫn âm thanh của các máy quay nghiệp dư ngay lập tức khiến nhiều người đặt câu hỏi chất lượng ghi âm, ghi hình, phát sóng của nhà đài như thế nào mà khiến người ngồi trước màn hình không được thưởng thức một cách trọn vẹn các tiết mục mà 2 yếu tố này đóng vai trò chính?
 
MC vô cảm
 
Bên cạnh đó, ngay trong liveshow thứ 3 vừa kết thúc cách đây vài ngày với khách mời là quán quân The Voice phiên bản Anh quốc - Leanne Mitchell - đột nhiên “mọc” đâu ra một người dẫn chương trình (mà thường được gọi là MC) cùng với Phan Anh. Trong khi cô tự giới thiệu mình với một cái tên rất Tây là Yumi Dương thì Phan Anh vẫn gọi cô là Diễm My. Chi tiết này hẳn là sẽ không ồn ào, vì The Voice giờ đây cũng không thể tạo “bão” như mùa đầu ngoài một sự thất vọng không hề nhẹ!   
 
 
Sự xuất hiện của Yumi, hay còn gọi là Diễm My, được kỳ vọng làm giàu thêm gia vị Anh quốc Michell nhưng đáng tiếc, ngay câu đầu tiên, và cả suốt chương trình, “phiên dịch viên” này thường dịch thiếu ý, nói vấp, lúng túng và quên cả lời. Và cô đã gây ra “thảm họa” khi bộc lộ sự cẩu thả của một MC. Ví dụ như, sau khi thí sinh Diễm Hương thổ lộ sẽ hát thật tốt để tặng mẹ, Yumi đã trả lời với kỹ năng auto của MC vô cảm: “Chúc chị biểu diễn thành công và chắc mẹ chị cũng đang ngồi trước TV để theo dõi con gái”. Yumi không hề biết mẹ của thí sinh này đã qua đời!
 
Chưa hết, Yumi – với tư cách MC cầm tập kịch bản dầy trên tay – còn không biết ai an toàn, ai rơi vào vòng nguy hiểm. Cô đã hỏi hai thí sinh Thái Quang, Hoàng Tôn về cảm giác rơi vào vòng đấu loại trong lúc hai thí sinh này liên tục lắc tay ra dấu, bởi họ đều đã nằm trong nhóm an toàn được công bố trước đó trên sân khấu. Kết quả là Yumi chỉ biết cười trừ trong cái ngơ ngác của cả người trong và ngoài cuộc.
 
Quảng cáo thô thiển
 
Một yếu tố khác đang ảnh hưởng tới The Voice nói riêng và các chương trình truyền hình thực tế hiện nay được thực hiện tại Việt Nam nói chung chính là quảng cáo. Vẫn biết rằng quảng cáo là một phần không thể thiếu của các chương trình nhất là các chương trình truyền hình thực tế và gameshow. Đây là nguồn thu chính cho cả nhà đài lẫn nhà sản xuất. Song, với sự tài trợ của Nokia mà dòng sản phẩm chính là Lumia, The Voice đang để quảng cáo xen vào một cách thái quá.
 
 
 
 
Nếu không lố bịch theo kiểu Mỹ Lệ mặc váy mỳ tôm Hảo Hảo trong Cặp đôi hoàn hảo (để bị chế thành Cặp đôi Hảo Hảo), thì The Voice cũng thường xuyên sắp xếp các đoạn video giới thiệu thí sinh một cách cưỡng ép như: sở thích của mình là chụp hình… với điện thoại Lumia.
 
Một ví dụ khác, trong đêm thi ngày 16/6, trong khi chuẩn bị ra sân khấu, thí sinh Nguyễn Lâm Hoàng Phúc đã chia sẻ cảm xúc của mình thường chơi game để bớt lo lắng. Và không bất ngờ, hình ảnh thí sinh cầm điện thoại và máy quay cận cảnh màn hình một ứng dụng game của dòng điện thoại tài trợ cho chương trình cũng được chiếu để “phục vụ” và cho khán giả thấy tiện ích của dòng điện thoại này. Logo và hình ảnh của hãng cũng tràn ngập khắp trường quay và phòng chờ. Đến nỗi, màn hình hiển thị ngoài phòng dành cho người nhà thí sinh cũng mô phỏng chiếc điện thoại Lumia.
 
Ngay trong các đoạn clip ngắn giới thiệu thí sinh trước khi bước vào vòng giấu mặt, các “nhân vật không liên quan” tới chương trình như các diễn viên phụ đứng kế bên Phan Anh ở các bàn đứng khác cũng vừa nói chuyện, vừa cầm Lumia với màu sắc không thể nổi bật hơn. Vậy phải chăng nên đổi tên chương trình thành Lumia Voice cho phù hợp?      
 
 
The Voice đã và đang được nhà đài ưu ái cho khung giờ vàng, đánh bật cả những cuộc thi có tiếng như “Sao Mai điểm hẹn” sang kênh không chuyên, giải trí vào giờ… không vàng đến nỗi nhiều người còn không biết cuộc thi này đã vào vòng chung kết. Điều này cho thấy The Voice không chỉ ăn khách mà còn được kỳ vọng từ khán giả. Thương hiệu quốc tế, kịch bản chuyên nghiệp của gameshow này đã tạo nên thành công và giúp các scandal của mùa giải đầu tiên dễ dàng che lấp. Nhưng khi các chiêu trò được lặp lại thì chương trình đã để lộ nguyên hình hàng nội dán nhãn Tây. Phải chăng Cát Tiên Sa đang dồn sức cho X-Factor và Pop star to Opera star nên bỏ bê The Voice? Chỉ biết rằng, khán giả Việt đang phải cố nuốt những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nửa mùa với vẻ mặt chán nản sau một tuần làm việc vất vả. Và nếu vẫn với tình trạng này, dù có thêm những show diễn dán nhãn Tây trong tương lai, con đường cho những tài năng thực sự đến với truyền hình quốc gia bỗng trở nên u ám biết nhường nào!
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top