Trẻ em luôn là đối tượng thu hút sự chú ý của người lớn. Vì vậy, không quá khó hiểu khi lũ trẻ cũng bị lôi vào các trò giải trí, các show truyền hình thực tế trên TV hoặc các clip trên internet. Nhưng ngay cả người lớn khi tham gia những chương trình này còn phải chịu sức ép lớn, vậy thì đã ai tính đến chuyện lũ trẻ cũng gặp phải điều tương tự, nhưng không có đủ kỹ năng xử lý tình huống như người lớn nếu bị “ném đá” sẽ ra sao chưa?
Hứng chịu bình luận ác ý trên mạng
 
Gần đây nhất là một cô bé 11 tuổi đã bị cư dân mạng “ném đá” không thương tiếc chỉ vì bố mẹ em đã trót “khoe” MV những bài Hải My hát “mang tính chất kỷ niệm” lên mạng. Hành động này của người lớn, vô tình đã khiến cô bé con phải chịu “búa rìu dư luận” không đáng có. Theo trang Một Thế Giới cho hay, MV Gặp mẹ trong mơ của cô bé bị ai đó dẫn link, kèm những lời chê bai khá nặng nề. Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau MV này đi cùng với những lời đánh giá, nhận xét rất ác ý không nên dành cho trẻ con.
 
 
Thử hỏi những người buông ra lời bình luận độc ác ấy có bao giờ nghĩ nếu trong MV kia là con cháu mình, liệu họ có đau đớn không? Nhưng quả thật, có lẽ lỗi trước hết cũng do gia đình cô bé Giang Hải My, do không lường hết được những tốt xấu của một xã hội ảo trên mạng đã khiến con em mình phải gánh chịu những “thảm họa” dù chỉ trong thế giới ảo nhưng cũng khiến tâm hồn một cô bé con đau đớn trong đời thường.
 
Bạn cười, cô giáo phê trong game show truyền hình
 
Không giống như bé Hải My khi tự đưa mình vào hoàn cảnh “trớ trêu”, một phụ huynh đã bức xúc kể câu chuyện đưa con đi thi một game show trên báo Tuổi trẻ thứ bảy (ngày 5/10/2013) rằng: con gái anh thi xong đi ra với vẻ mặt buồn bã, bởi theo cô bé kể: “... con trả lời đúng hết, nhưng chú trong phòng thu bắt con trả lời 3 câu theo chú, nhưng đó là câu trả lời sai”. Điều này có thể hiểu là để cuộc thi hấp dẫn, bất ngờ, thí sinh mà cụ thể ở đây là cô bé con buộc phải nói sai mấy câu theo kịch bản của chương trình.
 
Người phụ huynh cho biết, sau đó mỗi khi xem truyền hình có chương trình ấy, con anh lại nói: ‘Chương trình xạo, bắt trẻ em nói sai!’”. Nhưng chưa hết, cho con tham gia chương trình truyền hình như thế, phụ huynh đã không lường hết được những tác hại mà con cái mình phải gánh chịu bởi hôm sau đi học về, con gái anh đã khóc và nói rằng: “các bạn bảo con ngu, còn cô giáo thì nói con rất thông minh, lanh lợi, nhưng sao không chú ý nghe kỹ câu hỏi để trả lời sai uổng quá!”.
 
Có thể thấy, chưa biết lũ trẻ “được gì” sau khi tham gia những chương trình này, chỉ biết rằng, tự dưng, bé đã bị tổn thương rất lớn, có thể khiến em mất tự tin với chính mình vì những uất ức không thể thanh minh hết, đồng thời hình ảnh người lớn mới “xấu xí” làm sao, đi lừa cả trẻ con để… kiếm tiền.
 
Vì thế, tại Hàn Quốc, sau khi những chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của các bé rất thu hút khán giả, các chuyện gia giáo dục đã lo ngại rằng những chương trình này đã nghiễm nhiên khai thác sức lao động của các em, cho nên, lũ trẻ cần được luật bảo vệ khi tham gia những chương trình như thế.
 
Cần bảo vệ trẻ em khi tham gia truyền hình thực tế
 
Tại Hàn Quốc, hiện chương trình truyền hình thực tế “Bố, bố đi đâu đấy” và “Chào bé con” có sự tham gia của trẻ em được khai thác triệt để với những tình huống ngộ nghĩnh, gây cười đang rất thu hút khán giả Hàn Quốc. Nhưng các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc đã đưa ra những lo ngại rằng việc xuất hiện trên truyền hình, nhanh chóng được nổi tiếng và được nhiều người biết đến dễ gây những áp lực không nhỏ cho lũ trẻ.
 
 
Bởi với mức độ phủ sóng rộng khắp của những chương trình này trên truyền hình rất dễ  đem lại những yếu tố bất lợi không ngờ cho những em nhỏ tham gia, vì trên thực tế, khán giả khi xem chương trình luôn dành tình cảm rất cá nhân cho các em. Cũng vì thế mà họ bình luận, yêu ghét cũng rất cảm tính và đôi khi không quan tâm lắm đến chuyện đứa trẻ có buồn không, có bị tổn thương không khi vô tình đọc được những lời “ác ý” này. Đã có những em nhỏ sau khi tham gia chương trình, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội Hàn Quốc.
 
Theo Korea Time phản ánh thì luật pháp nước này hiện chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của truyền thông, nên hiện đang rất thiếu luật bảo vệ trẻ em khi làm việc trong môi trường truyền hình. Nếu như khán giả truyền hình tưởng rằng các bé chỉ đơn thuần là vui chơi trong chương trình truyền hình đó thì đã nhầm, để có hình ảnh hoàn hảo ra mắt người xem, lũ trẻ đã bị yêu cầu thực hiện nhiều lần những cảnh quya không đạt, hoặc diễn tập trước đó rất lâu để hoàn thành những yêu cầu mục tiêu của nhà sản xuất đặt ra, khiến các em mệt mỏi và áp lực không kém gì người lớn.
 
Vì thế, các chuyện gia giáo dục nước này yêu cầu phải có quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Bên cạnh đó, các đài truyền hình phải có trách nhiệm giữ kín thông tin cá nhân của các em, quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi cho trẻ hợp lý và quan trọng nhất là phải coi trẻ em như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm bảo vệ.
 
Trong khi Hàn Quốc đã dấy lên những lo ngại trong việc “lũ gà con” dễ bị tổn thương quá sớm khi không có vỏ bọc bảo vệ, thì tại Việt Nam, vì chương trình dành có sự tham gia của trẻ em chưa nhiều, nên cũng chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện phải bảo vệ lũ trẻ khỏi những áp lực đã bị nêu trên.
 
Nhưng thực tế, chỉ thông qua mùa đầu tiên của The Voice Kids mới diễn ra năm nay đã thấy, lũ trẻ cũng phải chịu sự “ném đá”, dựng chuyện của dư luận chẳng khác gì người lớn. Trong quá trình chạy theo chương trình, càng gần đến vòng chung kết, lũ trẻ càng dễ ốm do sức khỏe không đảm bảo để chạy theo lịch luyện tập, ghi hình của chương trình. Đã vậy, ngay khi kết quả đêm chung kết vừa công bố, trên các trang mạng xã hội, truyền thông đã đầy rẫy nghi án “Quang Anh biết trước được giải”, rồi khen bé nọ, dìm bé kia, khiến niềm vui chiến thắng của con trẻ chưa trọn vẹn đã nhuốm màu đen tối theo cách nhìn của người lớn.
 
Với những ai đã từng theo dõi nhật ký “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của bố bé Lương Ngọc Mai – thí sinh đã tham gia chương trình này hẳn đã hiểu hành trình vất vả của cả thí sinh lẫn gia đình, hy sinh cho “The Voice Kids” thế nào. Và quả thực, đọc xong nhật ký mới thấy, nếu phụ huynh không có cái nhìn điềm tĩnh và hiểu cuộc chơi như bố bé Mai, thì có lẽ cả gia đình lẫn con trẻ đã bị cuốn vào vòng xoáy thắng thua. Điều quan trọng là anh và gia đình đã rất vui và thấy con mình đã “được” một số thứ, đó chính là điều để anh biết dừng đúng lúc và bảo vệ, che chở con đúng với vai trò một người bố.
 
Xét cho cùng, tham gia bất cứ cuộc chơi nào, dù có kẻ thắng người thua, nhưng nếu thí sinh là trẻ con, chuyện thắng thua nhiều khi không quan trọng, nhưng nếu gia đình không hiểu điều này, lũ trẻ sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của người lớn, lợi chưa biết có nhiều không nhưng những gì để lại sau cuộc chơi có thể sẽ tạo áp lực rất lớn cho lũ trẻ về sau này. Bởi đã tham gia game show hay truyền hình thực tế, người được lợi bao giờ cũng là nhà sản xuất chương trình, còn thí sinh bao giờ cũng chỉ là người (“chường mặt” ra)… chơi.
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top