Liệu có hay không một dòng nhạc được gọi là “underground Việt” một cách kiêu hãnh? Underground là gì, nó có tác động gì tới nỗ lực làm biến chuyển dòng nhạc đại chúng Việt Nam hiện nay theo chiều hướng tiến bộ hơn?
Nếu bảo ở Việt Nam có nhạc underground không thì chắc ai có chút am hiểu cũng bảo là có. Nhưng bảo mô tả nó ra làm sao thì e không đơn giản. Underground ở thế giới đã qua giai đoạn nặng tính thể nghiệm phá phách, cũng không còn thuần túy là những nghệ sĩ không có hợp đồng phát hành đĩa với hãng đĩa hay những dòng nhạc tạm được coi là phi thương mại, tức là chưa được đem bán, thì đương nhiên là underground bởi ở thời đại Internet này, việc có một hợp đồng như thế không còn quá quan trọng nữa, người ta có thể tự làm tất cả  mà vẫn trở thành hiện tượng được, nhạc làm ra nghe chơi vẫn có thể bán được.

Khi sự phân định về yếu tố thương mại (bán/không bán) không còn nữa, lại ở thời cái gì cũng tung lên mạng được thì khái niệm “nhạc underground” theo nghĩa ban đầu cũng dần mờ nhạt. Ở góc độ sáng tạo độc đáo, không chịu đi theo các dòng thịnh hành thì nay người ta thích chữ indie hơn. Giới sản xuất âm nhạc quốc tế, nhất là ở Anh, nơi trào lưu underground music, đặc biệt là trong nhạc rock, từng khởi phát và có ảnh hưởng rất mạnh đến âm nhạc đại chúng, từng tuyên bố là thời của underground đã hết, underground đã chết, hoặc đã tái sinh kiếp khác, trong hình hài khác.



JustaTee và  Soobin, hai ca sĩ khá nổi tiếng của cộng đồng underground Việt
Vậy có phải sự tái sinh ấy xảy ra ở Việt Nam không? Quả thực, khi thấy cái thuật ngữ “underground music” ngày càng ít được dùng trong giới âm nhạc quốc tế, các tuyển tập nhạc underground phần lớn toàn là nhạc từ thời 1970-1980 là lúc mà punk rock hay các trào lưu hậu punk - vốn chịu ảnh hưởng nặng từ loại nhạc rock underground có xu hướng phá phách khuôn mẫu - nổi lên. Cùng lúc đó, ở Việt Nam, người ta nói nhiều về “cộng đồng underground” khiến nhiều người tò mò. Cộng đồng ấy thực sự là những nghệ sĩ có nhu cầu cách tân hay chỉ đơn giản là chưa nổi tiếng? Có chút xôn xao, cho nên có cảm tưởng là underground đang là mốt ở Việt Nam lúc này. Vì thế mới nói chuyện “tái sinh”.

Cần phải làm rõ một chút là dòng nhạc thể nghiệm không được xếp vào underground. Nó là một thế giới rất riêng, không có nhu cầu chìm hay nổi để bị là under hay over. Còn nhạc underground xuất phát từ chính các dòng nhạc chính thống, trong nỗ lực tìm một hướng đi khác, khám phá những nhánh mới mẻ trong chính cái cũ, từ chối những gì ve vuốt êm tai sến sẩm quá thông dụng, tuy nhiên cũng không hẳn lúc nào cũng đòi phá phách. Theo thời gian, những hình thức phái sinh ấy cũng dần được công nhận là chính thống, cũng trở nên thông dụng. Giờ ít người nói đến “underground rap” cho dù đây từng là dòng nhạc có những hoạt động mang tính underground mạnh bậc nhất trong các thể loại, hơn cả rock.

Trở lại với câu hỏi, underground ở Việt Nam, nếu có, thì hình hài ra sao? Có thể gọi nhạc của Ngọc Đại là underground? Có vẻ nhiều người sẽ phản đối. Nhưng nếu bảo nhạc kiểu Cái nường 9X không phải underground thì phải định nghĩa underground kiểu gì? Trên YouTube có một playlist tập hợp những bài hát “Top các bài underground đỉnh nhất”, nghe thì thấy áp đảo là loại R&B đặc trưng kiểu K-pop, không được là hàng gốc Mỹ nữa. Lời ca không khác gì mấy bài nhạc phổ thông, cũng yêu đương lâm ly, cũng tình cảm lâng lâng mới lớn, cũng chút bồi hồi quê hương xứ sở… Ca sĩ thì đúng là phần lớn chưa phải ngôi sao, nhưng cũng là những gương mặt thân quen trên báo mạng, thậm chí còn là trung tâm của những scandal râm ran showbiz. Vậy chất underground nằm đâu?

Một bộ phận các bạn trẻ nhầm tưởng nhạc của mình là “ngầm”, là sáng tạo đột phá mới mẻ, là đi ngược trào lưu.
Xu hướng hiện tại cho rằng sở dĩ gọi là underground là bởi các bạn trẻ này không thích nổi tiếng, thích tự sáng tạo ra thứ âm nhạc mình thích, gần với thế giới, mang dấu ấn cá nhân… Nói vậy cũng không ổn. Làm sao chắc chắn họ không thích nổi tiếng? Biết đâu chỉ là chưa nổi tiếng được (trong khi đã có mong muốn) thì sao? Các bài hát đó tung lên mạng rất nhiều người nghe - ít nhất cũng mang lại tiếng tăm cho họ; nhiều bài còn đi thi trên truyền hình, sánh vai cùng các mainstream khác và trên những sân khấu như Bài hát yêu thích chẳng hạn. Ở góc độ thể loại, những loại ấy đã được đem về Việt Nam từ hơn 15 năm trước, cũng từng có thời rất rầm rộ người người nhà nhà thi nhau hát, sau rồi thời gian sàng lọc lại còn được một số ca sĩ tên tuổi trung thành gắn bó. Vậy bảo R&B là nhạc underground của Việt Nam e không ổn. Còn nhánh kiểu urban như các bạn trẻ mang danh “cộng đồng underground” bây giờ đang theo đuổi thực sự nó cũng không phải là sáng tạo của các bạn đó. Nó rất giống K-pop, một kiểu R&B được Hàn Quốc hóa rồi sang đến Việt Nam thì đã thành F2. Tuy nhiên, K-pop là một hệ thống đồng bộ, chuẩn mực. Âm nhạc đó đi cùng ca sĩ có ngoại hình như thế nào, tóc tai ra sao, sản xuất thu âm biểu diễn trên sân khấu thế nào đều theo những khuôn mẫu đảm bảo thành công theo mô hình thần tượng. Đem thứ R&B kiểu Hàn Quốc đó ngược về cố quốc Mỹ cũng không thể ăn nhập được với văn hóa nhạc urban kiểu Mỹ. Còn sang đến Việt Nam, do ở ta không có nền công nghiệp biểu diễn tương xứng với loại nhạc ấy như ở Hàn Quốc, cho nên nó trở thành… underground, một thứ underground thời thượng, rất mốt, được hãnh diện thốt lên như thể bày tỏ thái độ không chơi với nhạc thị trường, không cần sánh vai với các tên tuổi lớn, chỉ “chơi” thôi. Overground sau một chặng đường vài nghìn cây số, đã chui xuống đất thành… underground.

Thực sự thì trong các bản nhạc đang nổi khoác áo underground này có nhiều bài được sản xuất khá chuyên nghiệp từ hòa âm, thu âm tới quay music video, trở thành hiện tượng trên mạng, cho thấy khán giả có đón nhận, nó có giá trị âm nhạc, ít nhất trong nghĩa đi đúng đường thị hiếu giới trẻ ngày nay, vốn cũng không lạ gì K-pop và urban kiểu Mỹ “xịn”. Nhưng không ổn khi gán cho nó chữ underground. Nó khiến một bộ phận các bạn trẻ tưởng nhạc của mình thực sự là “ngầm”, là sáng tạo đột phá mới mẻ, là đi ngược trào lưu, trong khi thực ra nó chẳng khác gì với dòng mainstream pop. Chỉ là liều lượng ngoại nhập nhiều hơn từ âm nhạc tới tạo hình, các ca sĩ có tên lạ lùng không theo cách đặt nghệ danh thông thường của người Việt, nhiều hotboy, hotgirl hơn…
Vậy mà cũng thành underground !

Có lẽ phải tìm thêm lý do cho nó “chìm” hơn một chút nữa chăng?
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top