Bằng Kiều trở về Việt Nam sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ. Anh muốn dồn sức vào những dự án âm nhạc và mong được ca hát nhiều hơn tại quê nhà. Cuộc sống của người đàn ông tuổi tứ tuần, có vẻ như không còn điều gì quan trọng hơn sự bình an trong tâm hồn. "Tôi muốn dành thời gian để làm những dự án mà tuổi thanh xuân mơ ước nhưng chưa làm được, chẳng hạn như tham gia các dự án nhạc kịch. Ở Việt Nam, lúc này, điều đó đã khả thi hơn ở hải ngoại" - ca sỹ của "Trái tim bên lề" chia sẻ…
- Được biết, đầu tháng 11/2013 anh sẽ tổ chức show diễn "Bằng Kiều Impression 2013" tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (2/11) và Tuần Châu, Quảng Ninh (5/11). Show diễn thứ ba trong gần một năm qua của Bằng Kiều, sự lặp lại có lẽ là vấn đề đáng lo nhất. Anh có thể nói gì về nó?
- Đúng là hai lần trước, tôi trở về hát như một sự tri ân, đáp lại sự chờ đợi của những khán giả yêu mến Bằng Kiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Và như bạn thấy, mọi người cũng đã ủng hộ, hiệu ứng khán giả là tốt. Tôi, hơn ai hết, hiểu rằng, nếu mình lặp lại tiếp, ở lần thứ ba, thì nghĩa là mình "tự sát". Chính vì thế, ý tưởng dàn dựng lẫn âm nhạc của show diễn lần thứ ba có những khác biệt. Lần đầu tiên tôi kết hợp với Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh và Trọng Tấn. Dòng nhạc hơi khác so với những đêm nhạc trước, có kết hợp vũ đạo cùng những màn diễn sôi động bên cạnh những bản ballad tha thiết được phối khí mới lạ hơn. Tôi sẽ hát với dàn nhạc giao hưởng. Không phân biệt và không so sánh, nhưng tôi muốn đây là đêm nhạc mang đến một không gian ấm áp, nhiệt thành, mới mẻ và đẳng cấp hơn.
- Không, ý tôi hỏi, đó là sự lặp lại của Bằng Kiều, trên chính những đỉnh vinh quang của mình kìa!
- Tôi là ca sỹ đã ổn định phong cách, bạn muốn tôi thay đổi để thành tắc kè hoa chăng? Không thể! Tôi chỉ có thể trau chuốt và làm mới chính mình trong âm nhạc, những thứ âm nhạc dành cho và thuộc về mình.
- Khi anh nói sẽ song ca với Trọng Tấn, tôi bất chợt có một hình dung. Anh và Trọng Tấn xuất hiện cùng thời, và đứng ở hai dòng chảy ngược nhau, anh thuộc về một đám đông huyên náo, còn Trọng Tấn thuộc về một thế hệ già hơn, cầu kỳ và thích sự nền nếp hơn. Hai con người ấy kết hợp với nhau sẽ thế nào, vào lúc này, khi cả hai đều không trẻ nữa?
- Trọng Tấn là giọng ca mà tôi rất thích, một ca sỹ thuộc dòng "hàng hiếm" của nhạc Việt bây giờ. Đúng như bạn nói, chúng tôi thuộc về hai dòng chảy khác nhau. Nhưng khi hai dòng chảy kết hợp được, thì chắc chắn nó sẽ gây được sự ngạc nhiên thú vị với khán giả. Lúc này, một số ca khúc để song ca đã được Giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh lựa chọn. Chúng tôi bắt đầu tập dượt cùng nhau. Mỗi người vẫn là chính mình, trong một cuộc song ca…
- Những lần trước, anh xuất hiện với những "người tình âm nhạc" đã từng có sự kết hợp trước đó. Còn lần này là ba gương mặt kết hợp lần đầu Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Trọng Tấn. Phải chăng đó là một cách anh kéo lứa khán giả trưởng thành trong thời gian Bằng Kiều vắng mặt, về phía mình?
- Âm nhạc là âm nhạc, là của mọi người, không phải là của riêng một nhóm nào đó. Bạn nghe nhạc Mỹ, nhạc Hàn bạn vẫn thấy hay và nó có giá trị riêng của nó. Tôi chưa từng nghe ai đó nói, mình là thứ âm nhạc ở hải ngoại. Tôi nghĩ nhạc Việt Nam thì sẽ thấy mình trong đó…
Tất nhiên, lúc nào tôi cũng mong muốn tiếp cận được nhiều khán giả. Bây giờ âm nhạc trong nước phát triển đa dạng hơn. Dẫu vậy, những gì đã có, thuộc về giá trị đã được khẳng định, sẽ mất đi. Tôi làm nghề đã lâu, vẫn đang làm việc và cập nhật mọi giá trị mới hàng ngày. Âm nhạc trong nước giờ chia thành nhiều nhánh khác nhau, tạo ra một sân chơi cho nhiều dòng chảy. Tôi thuộc về một trong số đó, và tôi sẽ làm mới mình để người trẻ trong nước thấy tôi gần gũi và thuộc về họ.
- Có hai gương mặt ca sỹ Việt ở hải ngoại được chờ đón nhiều nhất tại thị trường trong nước, đó là Bằng Kiều và Trần Thu Hà. Nhưng, đến thời điểm này, người ta không gọi Trần Thu Hà là ca sỹ hải ngoại. Những dự án âm nhạc của cô ấy đều là sự mới mẻ, gắn được vào dòng chảy underground âm nhạc thế giới. Còn Bằng Kiều, dường như là những gì đã có sẵn được anh khoác lên một chiếc áo mới được làm bằng giọng ca quá cao và quá bay. Sự so sánh này có làm anh chạnh lòng?
- Bằng Kiều và Trần Thu Hà là hai ca sỹ ở hai mảng khác nhau, mỗi người đều đi theo con đường mà mình thích. Tôi cũng rất thích Hà, nhưng tôi không thể là Trần Thu Hà và ngược lại. Thực sự, muốn gì thì muốn, nhưng khán giả sẽ là những người quyết định, có sự đánh giá công tâm, chấp nhận hay không chấp nhận sản phẩm của người nghệ sỹ. Âm nhạc không phân biệt, nó chỉ có hay hoặc không hay. Ở không gian này, ta nghe loại nhạc này, ở không gian khác bắt buộc nghe nhạc khác. Nó là sự phù hợp thôi. Bản thân những người làm nghệ thuật ai cũng muốn mình được cái này hay cái khác. Nhưng cách làm việc của mỗi người khác nhau. Bạn nghĩ rằng tôi sẽ chạnh lòng sao? Tôi đâu phải ngẫu nhiên đứng được trên sân khấu bao nhiêu năm nay?
- Nếu nói về âm nhạc của Bằng Kiều, anh có gì để đứng trên sân khấu trong suốt thời gian qua?
- Tôi muốn mang đến cảm giác sang trọng nhưng gần gũi. Đó là tất cả những gì tôi muốn làm, trước đây và bây giờ chỉ là vậy.
- Anh ra đi và ngắt quãng khá lâu. Hơn 10 năm qua, anh thấy giới ca sỹ ở trong nước bây giờ có đổi khác?
- Thay đổi nhiều lắm. Các ca sỹ trẻ cập nhật rất nhanh các trào lưu âm nhạc đương đại. Thấy một số người phê phán, nhưng tôi thấy bây giờ khán giả có nhiều lựa chọn. Và nếu bạn có tài năng thì dường như bạn không sợ bị bỏ rơi, bạn có quá nhiều cuộc thi để thể hiện bản thân và phát triển tên tuổi. Thời tôi mới xuất hiện, làm gì có được chuyện này. Nhưng tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt, bạn có cơ hội thì hàng ngàn người khác cũng vậy, sự cạnh tranh sẽ gắt gao hơn…
- Nhiều người nhìn thấy anh sang trọng và lịch thiệp trên sân khấu, còn không ai biết Bằng Kiều ở ngoài như thế nào. Cuộc sống của sao Việt trên đất Mỹ, có là thiên đường?
- Ngôi sao là do mọi người gọi thế thôi. Tôi sống trong nghệ thuật, từ ca hát cho đến kịch nghệ, đều không phân biệt đâu là sàn diễn đâu là cuộc đời. Bạn nhìn theo con mắt của bạn, có thể thấy vậy, còn tôi thì thấy mình sống cực kỳ đơn giản. Tôi qua Mỹ sống, nhưng hàng ngày vẫn đi hát, vào phòng thu âm, không khác gì ở Việt Nam. Nên hỏi tôi sống ở bên đó thế nào, tôi cũng không biết phải trả lời ra sao nữa. Thực sự tôi sống hơi… già, tôi thích ở nhà, uống trà, trồng cây, nuôi cá. Từ ngày xưa đã như thế rồi, chứ không phải bây giờ. Tôi xa lạ với những đám đông ồn ào, không biết bar hay vũ trường. Nhìn nét mặt bạn, thì tôi thấy có vẻ như tôi không giống mọi người hình dung thì phải (cười)
- Xin hỏi anh một câu riêng tư, anh làm thế nào để lấp đầy khoảng trống cho ba đứa con, vào lúc này?
Gia đình Bằng Kiều khi còn hạnh phúc.
- Tôi vẫn hiện diện trong cuộc sống của các con mình, bằng cách này hay cách khác. Ba đứa con tôi cực kỳ yêu bố, chúng gắn bó với tôi từ lúc sinh ra. Khi lớn hơn, tôi vẫn hàng ngày đưa chúng đi học, làm bài tập và đọc truyện cho chúng nghe. Như vừa nói, tôi là mẫu đàn ông yêu thích cuộc sống gia đình, nên tôi muốn chăm chút cho cuộc sống đó. Tôi chưa bao giờ thấy chán hay mệt vì mình phải lo lắng chăm sóc cho con cái. Thực ra cái chúng ta còn để lại trong cuộc đời này, đâu có gì nhiều, ngoài dăm tác phẩm được yêu mến, và những đứa con?
- Nhưng lúc này, khi đã ly hôn,  làm sao để chúng ta có thể giúp các con không cảm thấy thiếu trước hụt sau về tình cha mẹ?
- Nếu là bạn, thì bạn làm thế nào? Chia tay là chuyện người lớn, còn con cái thì vẫn do mình sinh ra và mình yêu nó không phải bằng một tình yêu thông thường. Đó là thứ tình yêu không đo đếm được…
- Anh có thể nói gì về cuộc hôn nhân của mình, sau những gì đã qua?
- Tôi không trả lời những gì thuộc về hôn nhân. Đó là chuyện riêng tư.
- Vậy anh có gì để nói về Trizzie Phương Trinh, một nữ đồng nghiệp, mẹ của 3 đứa con anh?
- Không gì cả. Không có gì để nói, vào lúc này!
- Xin được hỏi anh câu cuối cùng, sau tất cả những mất mát trong đời sống, anh đã có thể nhìn lại con đường 40 năm sống của mình? Và anh có dự định gì với thị trường âm nhạc trong nước?
- Thực ra những được mất ở đời, tôi thường nhìn vào cái được nhiều hơn, thành ra cái gọi là buồn đau mất mát đôi khi lại là những trải nghiệm, để mình sống điềm tĩnh hơn, và biết yêu cuộc sống hơn. Nghe thì có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng đó là sự thật, tôi rút ra được từ chính những ngày tháng được sống của mình. Hiện tại, tôi cũng muốn về Việt Nam biểu diễn nhiều hơn, không phải vì muốn tìm hào quang ở thị trường nhiều cạnh tranh này, mà là điều kiện sáng tạo đã thuận lợi hơn. Ở Mỹ, những dự án âm nhạc mang tính thể nghiệm của người Việt rất khó thực hiện, do anh em nghệ sĩ sống tản mát, tập hợp được nhau rất khó, và thay đổi thói quen thưởng thức của khán giả là điều gần như bất khả.
Ở Việt Nam, như tôi nhìn thấy, đã có nhiều dòng chảy cho nhiều lớp công chúng khác nhau. Và tôi muốn tham gia một vở nhạc kịch, hát opera, lúc này đã có thể thực hiện được rồi. Đó là một trong những dự án mà tôi muốn làm. Còn lại thì cũng không dám nói trước gì nhiều, vì lịch diễn của tôi bên Mỹ cũng khá dày. Nói gì thì nói, tôi là ca sỹ, và tôi sẽ hát ở đâu có những người hiểu và yêu mến tiếng hát của mình, vậy thôi!
- Xin cảm ơn anh!
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top