Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói: “Không có âm nhạc, cuộc sống có thể là một sai lầm”. Với âm nhạc, người chơi có thể phó thác tâm trạng, tư duy hay những cuộc đối thoại bất tận với chính cảm xúc của mình.
Vai trò của giáo dục âm nhạc
Anh Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường nhạc Erato Music & Performing Arts, khu Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM, kiêm Chủ tịch Công ty Klavierhaus, cho rằng một nền tảng văn hóa vững chắc luôn là yếu tố cốt lõi cho việc duy trì, phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Trong đó, giáo dục âm nhạc là bộ phận không thể tách rời của công cuộc xây dựng một nền tảng văn hóa vững mạnh. Theo anh, âm nhạc giúp tăng cường trí thông minh, xây dựng tính kỷ luật tốt, sự tự giác, tính chi tiết và khả năng tiết chế các căng thẳng trong đời sống nếu người học được hướng dẫn đúng.
Đầu tư mạnh vào giáo dục âm nhạc và nghệ thuật là một xu hướng khá rõ nét hiện nay ở hầu hết các quốc gia, lãnh thổ tại châu Á có nền kinh tế phát triển. Các phòng hòa nhạc và học viện âm nhạc đã dần trở thành biểu tượng của các thành phố lớn. Khởi đầu từ Nhật, Hàn Quốc, nối tiếp bởi Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc và nay đã lan sang Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan. Trong số 81 thí sinh tham gia vòng chung kết giải Piano quốc tế mang tên Chopin năm 2010, có đến 33 thí sinh châu Á. Ông Waldemar Dabrowski, Tổng Giám đốc Nhà hát Opera Warsaw (Ba Lan), cho biết hiện có đến 30 triệu thanh thiếu niên đang theo học piano tại châu Á.

Trường nhạc khó có lãi
Năm 2008, anh Minh cùng một số đối tác mở Trường nhạc Erato Music & Performing Arts. Tiếp đến là Công ty Klavierhaus, đơn vị điều hành cửa hàng trưng bày và bán piano, violin. Và đầu năm nay, đơn vị kinh doanh thứ ba đã ra đời: nhà sách Newton chuyên nhập khẩu và bán sách của các nhà xuất bản nước ngoài.
“Tuy Erato đã mở được hơn 5 năm và Klavierhaus gần được 3 năm, nhưng cả 2 đơn vị vẫn chưa đem lại lợi nhuận”, anh Minh thừa nhận.
Thách thức lớn nhất tại thị trường Việt Nam là người chơi nhạc có xu hướng sử dụng đàn cũ thay vì sắm đàn mới.
Đối với mô hình nhà sách Newton, anh Minh cho rằng, từ khi lĩnh vực giáo dục âm nhạc bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam, hầu hết các giáo trình âm nhạc Việt Nam đều chưa được cập nhật so với khu vực và thế giới. Đây chính là cơ hội cho Newton trong dài hạn. “Nhưng ít nhất trong vòng 3-5 năm tới, tôi vẫn phải bù lỗ cho nó”, anh nói.
Hiện nay, kiến thức âm nhạc trong các trường phổ thông chỉ được giảng dạy ở mức tổng quan, sơ bộ, nặng về lý thuyết nên chất lượng rất hạn chế. Đây có thể là cơ hội cho các trường nhạc tư nhân, đồng thời cũng là một thách thức.
Một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh đã thất vọng khi nhận ra rằng, để học đàn hiệu quả theo mô hình một thầy một trò tại các trường nhạc tư nhân, thì thời gian đầu tư không thể tính theo tháng, mà là nhiều năm. Hệ quả là nhiều người đã nản lòng khi thấy con họ không có hoặc mất hứng thú sau một giai đoạn tập tành trong vô vọng. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng đầu tư vào âm nhạc sẽ không sinh lợi trong khi lại mất quá nhiều thời gian và không đem lại kết quả? Nhưng hãy làm một phép so sánh. Để có kiến thức cơ bản từ các môn toán, lý, hóa, lịch sử, văn học... học sinh phải trải qua 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng rồi cũng quên gần hết, trừ phi đi vào chuyên ngành có liên quan ở bậc đại học. Nếu đặt âm nhạc trong tương quan trên, việc phải có thời gian nhất định cho đào tạo là tất yếu.
Giải thích việc mình trở về nước sau 2 thập niên học tập và làm việc trong ngành âm nhạc tại Nga và Anh, anh Minh cho biết: “Tôi mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc Việt Nam”. Hoài bão lớn nhất của anh là tiếp tục phát triển Trường nhạc Erato đạt chất lượng dạy và học tương đương với các trường nhạc ở Hồng Kông, Singapore và Thái Lan
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top