Vậy là "The Voice of Việt Nam - Giọng hát Việt", một trong những chương trình truyền hình thực tế ồn ào nhất năm 2012 đã khép lại.
Có lẽ, chưa bao giờ gameshow nước ngoài được mua bản quyền và Việt hóa lại nở rộ như hiện nay. Từ truyền hình quốc gia đến địa phương, đâu đâu cũng thấy tràn ngập chương trình ngoại - một sự hội nhập văn hóa nhanh đến mức khó tin trong những năm gần đây. Người ta bắt đầu dùng cụm từ "làn sóng gameshow ngoại" để diễn tả thực trạng này. Điều này khiến không ít người liên tưởng đến làn sóng Hàn Quốc còn gọi là Korea wave hay Hallyu làm mưa, làm gió khiến giới trẻ Việt Nam phát cuồng trong những năm trước.
VTV3 - Kênh truyền hình quốc gia về thể thao, giải trí và thông tin kinh tế có tỷ lệ người xem cao nhất nước, mang đến một "thực đơn" giải trí vào các tối trong tuần (tính tới thời điểm này) như sau: 
Thứ hai - "Đấu trường 100"; thứ ba - "Ai là triệu phú"; thứ tư "Trò chơi âm nhạc - Don't forget the lyric"; thứ năm - "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5"; thứ sáu - "Việt Nam Idol"; thứ bảy - "Chúng tôi là chiến sĩ", "Gương mặt thân quen"; chủ nhật - "Việt Nam Got Talent", "Giọng hát Việt"... Trong số những chương trình được "điểm danh" trên đây, có đến 80% các chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài. Đó là còn chưa kể đến những chương trình truyền hình thực tế có xuất xứ từ nước ngoài tiếp nối nhau lên sóng vào khung giờ vàng của Đài Truyền hình quốc gia. Khi "Việt Nam next top model" vừa kết thúc thì "Cặp đôi hoàn hảo" đã bắt đầu rục rịch lên sóng và trước đó là "Hợp ca tranh tài", rồi “Bước nhảy hoàn vũ”, "Cuộc đua kỳ thú". Chương trình "Siêu đầu bếp - The Iron Chef" kết thúc thì chương trình tìm kiếm siêu đầu bếp "The next Iron Chef" ngay lập tức được thế sóng... Các đài truyền hình lớn trong nước như Hà Nội và Tp HCM cũng tìm cách kéo chân khán giả bằng những "chiêu" truyền hình "nhập ngoại". Nếu như Hà Nội có "Đuổi hình bắt chữ", "Ẩn số vàng" thì TP Hồ Chí Minh có "Ngôi nhà âm nhạc" hay mới đây nhất là "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance"... Chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em rất được các bậc phụ huynh yêu thích là "Con đã lớn khôn" của Đài Truyền hình Tp HCM cũng được dựng theo format của Nhật Bản...

Ca sĩ Hương Tràm (thứ hai từ phải qua) giành ngôi vị quán quân "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên.
Không thể phủ nhận rằng, những gameshow nước ngoài khi vào Việt Nam đã mang đến một luồng không khí mới mang đậm tính giải trí, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những chương trình mới lạ, hấp dẫn, bất ngờ và đầy sáng tạo được hậu thuẫn mạnh mẽ của truyền thông, cứ mỗi khi ra mắt lại khiến những diễn đàn trên mạng Internet nóng ran, các "hội phát cuồng" lại nối tiếp nhau ra đời. Khán giả được xem những chương trình mà trước đó chỉ có thể "thòm thèm" xem trên Starworld, còn nhà tổ chức thì bội thu vì độ nóng của chương trình khiến bảng giá quảng cáo xen kẽ khi chương trình lên sóng tăng vùn vụt. Hàng "ngoại nhập" lên ngôi khiến khán giả đỏ mắt tìm những sản phẩm thuần Việt. Nhiều chương trình "made in Việt Nam " đã không còn xuất hiện trở lại, hoặc sức hút đã giảm đi trông thấy. Sự chiếm lĩnh khung "giờ vàng" của "hàng ngoại" khiến "hàng nội" phải chuyển sang khung giờ phát sóng khác, thậm chí phải chuyển hẳn kênh để có được sóng trực tiếp. Câu chuyện của Sao Mai - Điểm hẹn 2012 là một ví dụ. Mặc dù là "con ruột" của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng chương trình này cũng không có được sóng trực tiếp trên VTV3 mà phải lên sóng VTV2 để nhường sóng cho chương trình khác. Vì lý do này, Sao Mai - Điểm hẹn 2012 đã không có một mùa giải như mong đợi...
Có lẽ, cái mà gameshow Việt thiếu nhất hiện nay chính là ý tưởng mới, sự hấp dẫn và khả năng đột phá. Khán giả Việt Nam không sính ngoại nhưng ngày càng "sành" hơn trong việc lựa chọn thực đơn giải trí cho mình. Dường như chúng ta đang thiếu trầm trọng những ý tưởng mới. Sản xuất theo kiểu "mì ăn liền" đang trở thành một trào lưu rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, nhưng chắc chắn sẽ không tạo được giá trị đích thực và lâu bền. Gameshow thì có những format ngoại, còn lĩnh vực phim truyền hình thì làn sóng Việt hóa phim ngoại, nhất là phim Hàn Quốc, phim sitcom đang được cổ vũ nhiệt thành từ nhiều phía. Nhìn lại những gameshow thuần Việt có thể thấy sự thiếu hụt những hình thức thể hiện mới. Từ "Bảy sắc cầu vồng", "Hành trình văn hóa", "Ở nhà chủ nhật", đến "Đường lên đỉnh Olympia" hay "Theo dòng lịch sử"... đều được tổ chức dưới hình thức thi đơn thuần giữa những người chơi mà không có sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức thể hiện. Sự quay trở lại của những nhà thông thái - SV 2012 đã không thể vượt qua được cái bóng của chính mình trong SV 1996, SV 2000. Một thời, "Sao Mai - Điểm hẹn" từng được coi là bệ phóng âm nhạc cho các ca sĩ trẻ bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp nhưng quan điểm này có thể đã bị thay đổi khi "người nước ngoài" là "Việt Nam Idol" và "The Voice of Việt Nam" xuất hiện. "Sao Mai - Điểm hẹn" đã có phần bị "lép vế". Sự lép vế của "Sao Mai - Điểm hẹn" không phải vì chất lượng thí sinh mà vì hình thức thể hiện không có nhiều đổi mới. Những gameshow Việt chỉ có thể thành công nếu có sự tìm tòi, đổi mới, những ý tưởng độc đáo và hướng đi riêng của chính mình.
Có lẽ, đã đến lúc phải tung một "gói cứu trợ" cho gameshow thuần Việt bằng cách khuyến khích những ý tưởng mới, chương trình mới "made in Việt Nam ". Và điều đầu tiên, nằm trong tầm tay của các nhà đài là ưu tiên khung "giờ vàng" phát sóng các gameshow thuần Việt, như Đài Truyền hình Việt Nam từng làm để thúc đẩy phim Việt phát triển

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top