Sự xuất hiện dày đặc của truyền hình thực tế đang bộc lộ nhiều nhược điểm có tác động xấu tới công chúng. Như việc hàng loạt các chương trình đua nhau tung chiêu trò phản cảm cạnh tranh hút khán giả gây bức xúc trong dư luận.


Chương trình Cặp đôi hoàn hảo

Khán giả nghi hoặc về tính thực tế

Cách đây vài năm, khán giả Việt làm quen với các chương trình truyền hình thực tế như: "Ai là triệu phú”, "Hãy chọn giá đúng”, "Ở nhà chủ nhật”, "Chiếc nón kỳ diệu”, "Tam sao thất bản”, "Ô cửa bí mật”, "Đấu trường 100”, "Trò chơi âm nhạc”, "Đối mặt”, "Hát với ngôi sao”, "Hành khách cuối cùng”...mang tính giáo dục và trí tuệ. Nhưng sau đó, những chương trình này bị chìm hẳn bởi sự "lấn sân”  của "Cặp đôi hoàn hảo”, "Vietnam’s Got Talent”, "Gương mặt thân quen”, "Bước nhảy hoàn vũ”, "Giọng hát Việt -The Voice”, "The voice Kids”, "Tôi là người chiến thắng”, "Vietnam’s next top model”, "Người giấu mặt”... Có thể nói danh sách các chương trình truyền hình thực tế đang tăng theo cấp số nhân và nó có mặt ở hầu hết các kênh giải trí. Nhưng đánh giá về chất lượng, người ta thấy sự dễ dãi, thiếu tính sáng tạo và nhiều chiêu trò phản cảm, rẻ tiền, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Một nghiên cứu 6 tháng về "Tác động của chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam đến quan niệm sống của học sinh, sinh viên hiện nay” của nhóm sinh viên ngành xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM vừa cho kết quả: Phỏng vấn 250 học sinh THPT và sinh viên ĐH tại TP.HCM, Đồng Nai cho thấy 34% người được hỏi trả lời "thường xuyên” xem các chương trình truyền hình thực tế. Trong đó, các bạn có xu hướng xem những chương trình tìm kiếm tài năng hơn chương trình trải nghiệm, khám phá và hoạt động xã hội. Đáng chú ý trên 50% trả lời "không tin” các cuộc thi có cạnh tranh công bằng….
Bao giờ phủ sóng thuần Việt…

Có thể điểm mặt những vụ lùm xùm trong năm 2013: màn "bỏng mắt” cởi đồ trong chương trình truyền hình thực tế Người giấu mặt, phát sóng trên VTV6. Dù là phiên bản Việt của chương trình nổi tiếng Big Brother, nhưng Người giấu mặt, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, lại không gây được hiệu ứng như mong đợi, cho đến khi xảy ra scandal thí sinh cởi đồ. Nhiều khán giả vẫn cho rằng đây là hành động phản cảm, nhất là khi nó được phát trên VTV6 - kênh giáo dục, giải trí dành cho thanh thiếu niên của Đài truyền hình Việt Nam. Rồi việc giám khảo "tỏa sáng” hơn thí sinh ở Giọng hát Việt 2013. Trở lại khá nhạt nhòa trong năm 2013, Giọng hát Việt đành hướng khán giả vào các màn đấu đá giữa các HLV để tăng phần kịch tính. Những pha tranh cãi giữa Quốc Trung - Đàm Vĩnh Hưng hay giữa Mỹ Linh - Hồng Nhung thực sự đã khiến không khí chương trình "nóng” hơn. Đó là chưa kể sự cố MC Yumi Dương kêu gọi khán giả vỗ tay ủng hộ đồng bào khi cơn bão đi qua đã khiến cô bị liệt vào danh sách "thảm họa” MC truyền hình. 

Thu hút nhiều sự chú ý nhất trong năm qua nhưng Giọng hát Việt nhí cũng không tránh khỏi những lùm xùm hậu trường, nhất là càng gần về đêm chung kết. Có thể nói, Giọng hát Việt nhí đã tạo nên "cơn sốt” tài năng nhí, trong đó ba gương mặt Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Tuy nhiên, làm sao để các em sống đúng tuổi của mình và làm thế nào để bảo vệ các em giữa muôn trùng thị phi trong và sau cuộc thi vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ... Rồi chuyện thí sinh mắng giám khảo "stupid” (ngớ ngẩn, ngốc nghếch). Khác với những năm trước, chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2013 diễn ra khá trầm lắng nếu không có chuyện Hòa Hiệp tỏ thái độ bất bình trước ban giám khảo khi bị loại… 

Cùng với đó, câu chuyện kịch bản nhập khẩu vẫn đang là một vấn đề đặt ra với mỗi chương trình truyền hình thực tế. Và phải làm sao Việt hóa, "gạn đục khơi trong” để có được một chương trình chuẩn mực với khán giả trong nước. Bởi nhìn chung, tất cả các chương trình nếu thành công thì đa số cũng chỉ "sốt” mùa đầu, từ mùa thứ hai nó sẽ giảm nhiệt trước một chương trình mới khác. Điều này là một thách thức với các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời họ sẽ phải tiếp tục cạnh tranh bằng cách đổ tiền ra mua những chương trình mới. Và còn một điều không thể phủ nhận là những kịch bản ngoại ồ ạt vào Việt Nam đã làm tê liệt sản xuất kịch bản nội địa…Thực trạng trên càng đòi hỏi những chương trình truyền hình thực tế "made in Việt Nam” sớm định hình diện mạo cho mình.
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top