Ca sĩ Tùng Dương trở thành hiện tượng âm nhạc sau khi bước ra từ Giọng hát hay Hà Nội 2003 và Sao Mai điểm hẹn 2004.
Đã qua cái thời giải thưởng được ví như "tấm thẻ xanh" giúp nghệ sĩ bước vào đời sống âm nhạc chuyên nghiệp. Các cuộc thi âm nhạc đã mất tính "thiêng" trong lòng khán giả. Vậy bản chất giải thưởng âm nhạc hiện nay là gì?

"Lợi anh lợi ả"?
Cuộc thi Đi tìm thần tượng âm nhạc Việt Nam (Việt Nam Idol)mùa trước, một chàng trai nông dân vốn chưa qua trường lớp âm nhạc trở thành người chiến thắng. Không phủ nhận giọng hát và nét duyên của anh, nhưng chỉ bấy nhiêu mà có thể đánh bật được tất cả thí sinh, trong đó có nhiều giọng hát được đào tạo bài bản và từng "chinh chiến" khắp nơi rồi là một điều không tưởng. Nhưng điều không tưởng đã thành hiện thực.
Kết quả là vòng tuyển chọn ở các khu vực của Việt Nam Idol lần này, như chia sẻ của một thành viên tham gia tuyển chọn, "đủ các thành phần, ngành nghề rầm rập kéo về dự thi". Quả thật, việc chọn người chiến thắng như mùa trước giống như một liều thuốc "gây sốc" tinh thần cho tất những ai trước đó có thể chưa bao giờ mảy may nghĩ tới giấc mơ ca sĩ.
Hưởng lợi nhiều nhất, không ai khác, chính là nhà tổ chức. Bởi lẽ, chỉ có như thế, sức hấp dẫn của cuộc thi mới đủ để nhà tài trợ vung tiền mua những giây vàng quảng cáo cộng thêm khoản thu nhập từ tin nhắn của khán giả. Cũng là cuộc thi ca nhạc truyền hình, thậm chí còn "hot" hơn Idol, Giọng hát Việt (The Voice) lại có phong cách khác. Mùa thứ hai của cuộc thi này đang đi dần đến hồi kết không ấn tượng thì bỗng dưng lại "gây bão" dư luận với chuyện lùm xùm thầy (HLV) và trò (thí sinh) hết "ném đá" lẫn nhau rồi lại giải thích, rồi còn mượn cả sóng truyền hình để "chỉnh" các nhà báo.
Ngoài các cuộc thi kể trên, hàng loạt các giải thưởng âm nhạc khác cũng đang đua nở như: Làn sóng xanh, Yan Music Award, Video âm nhạc Việt, HTV Awards, Zing Music Awards...Phần lớn những cuộc thi này đều tổ chức theo khuynh hướng tương tác giữa cuộc thi và khán giả, thể hiện qua phần bình chọn bằng tin nhắn điện thoại hoặc lượt nghe. Điều đáng nói ở chỗ, khán giả ở ta nghe nhạc theo cảm tính, theo phong trào và đôi khi nghe không phải vì bài hát hay mà chỉ vì thần tượng của mình.
Chính điều này đã tạo nên những giá trị "ảo". Các ca sĩ thị trường luôn cần những giải thưởng, giống như một hoạt động PR hình ảnh, giúp tên tuổi mình được nhắc tới thường xuyên. Thành thử, nhiều giải thưởng những năm gần đây cứ liên tục chỉ thuộc về những cái tên đã quá cũ kỹ. Mặt khác, nhà tổ chức chưa chắc đã đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu bên cạnh lợi ích kinh tế, khi càng nhiều khán giả tham gia bình chọn thì lợi nhuận càng lớn.
Vậy nên, nhiều giải thưởng hiện không đơn thuần chỉ là "cho vui", mà còn là một "miếng bánh ngon" cho các công ty tổ chức kiếm lợi nhuận, còn các nghệ sĩ thì cầu danh lợi.
Những cuộc thi đúng nghĩa
Thực tế, giải thưởng hay cuộc thi âm nhạc theo đúng nghĩa vẫn còn không ít.
Có điều, thay vì các công ty tư nhân tự tổ chức và mua sóng truyền hình, các cuộc thi này đều do các cơ quan nghệ thuật hoặc truyền hình nhà nước tự thực hiện.
Điển hình có thể kể tớiSao MaivàSao Mai điểm hẹn của VTV hayNgôi sao tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh của HTV, Tiếng hát mùa thucủa Truyền hình Hà Nội và Giọng hát hay Hà Nội của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội... Nhìn vào quá khứ, nhiều giọng ca hàng đầu như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tấn Minh, Tùng Dương, Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ, Lan Anh... đều bước ra từ những cuộc thi đó. Kể từ lúc xuất hiện cho tới hiện nay, các cuộc thi này vẫn giữ phong cách thi truyền thống, đó là đề cao giọng hát và thắng thua phụ thuộc vào quyết định của Ban giám khảo, với các nhà chuyên môn có nghề và uy tín. Dẫu luôn nỗ lực đổi mới để phù hợp hơn với thời cuộc, nhưng những cuộc thi này vẫn ít nhiều hạn chế về sự sáng tạo và tính hấp dẫn. Bên cạnh đó, cho dù đề cao yếu tố nghệ thuật, song vì mật độ cuộc thi tổ chức dày đặc nên các hạt nhân luôn khan hiếm, dẫn đến hệ quả: Kể cả những thí sinh đạt giải trong các cuộc thi này khi bước ra ngoài đời cũng không thể "lấy giải thưởng làm bệ phóng" cho mình như những cuộc thi trước.
Hai giải thưởng được giới làm nghề chú ý nhất, một là Bài hát Việt - sân chơi cho các nhạc sĩ trẻ và hai là giải thưởng âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bài hát Việtdẫu gần đây có phần nhạt nhưng vẫn là sân chơi góp sức khuyến khích sự sáng tạo mới mẻ và có chất lượng nghệ thuật, thu hút sự tham gia của những người hoạt động âm nhạc trong cả nước, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều cái tên được phát hiện, góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc đại chúng như: Nguyễn Duy Hùng, Mai Khôi, Thành Vương, Mạnh Quân, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Văn Phong... Giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu lý luận dành cho các nhạc sĩ hội viên.
Khác với các giải thưởng, cuộc thi khác chủ yếu phát hiện các gương mặt, giải thưởng này thiên về tôn vinh tác phẩm.
Cũng giống như nhiều cuộc thi nghiêm túc khác, giải thưởng thường niên của Hội chưa được công chúng rộng rãi chú ý.
Đang có sự lấn át từ cácgameshow truyền hình đến các cuộc thi tìm kiếm tài năng, phần nào làm mất cân bằng đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, sự thoái trào của một số chương trình thời gian gần đây cho thấy: Chỉ những giá trị thực mới có thể tồn tại và sáng tạo. Song, bên cạnh việc trông chờ vào sự sáng suốt của công chúng, rất cần những "cú hích" hiệu quả từ chính sách, để tạo đà cho những tài năng nghệ thuật thật sự tỏa sáng.
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top