Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc với những đổi mới bước đầu. Trong đó, việc ra đề thi theo hướng mở hai môn Ngữ văn và Ðịa lý nhận được sự chú ý của dư luận xã hội, vì kết quả không chỉ có ý nghĩa về sự thành công của kỳ thi, mà còn là tiền đề cho việc đổi mới cách nghĩ, cách làm trong dạy học và thi cử.
Ðề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2013, ngoài các câu hỏi như thường lệ, có câu yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của một học sinh. Câu hỏi này có ý nghĩa thiết thực, mang tính thời sự, lấy từ người thật việc thật và gắn liền với thực tế cuộc sống, có tính nhân văn cao. Ðề thi hướng thí sinh đến những sự việc, những tính cách thiết thực nhất trong đời sống, đó là lòng dũng cảm và nhân cách tốt.
Ðối với đề thi môn Ðịa lý, câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo đã khơi gợi sự hiểu biết và ý thức về chủ quyền dân tộc, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với các thí sinh dự kỳ thi năm nay, mà còn đối với thế hệ trẻ sau này. Cũng trong đề thi môn Ðịa lý còn có câu hỏi về thế mạnh nguồn lao động và vấn đề việc làm gắn với kinh tế - xã hội nước ta. Một câu hỏi mang tính thực tiễn về lao động, nhân lực gợi mở, đòi hỏi sự tìm tòi của thí sinh từ thực tế cuộc sống gắn với việc lựa chọn bậc học, ngành nghề, việc làm của thí sinh sau tốt nghiệp THPT.
Có thể nói, chủ trương đổi mới công tác ra đề thi được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) triển khai trong những năm gần đây nhằm mục tiêu: nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành; chính xác, khoa học; phân loại được trình độ người học. Ðề thi theo hướng mở không cứng nhắc, giúp cho học sinh bộc lộ tư duy, suy nghĩ mà không cảm thấy nặng về lý thuyết, sách vở.
Ðể làm được điều đó, ngành GD và ÐT cần đổi mới phương pháp dạy học, tránh tình trạng thầy đọc, trò chép. Trong giờ dạy, giáo viên gợi mở vấn đề để học sinh tìm tòi, sáng tạo, khuyến khích học sinh tự tin đưa ra những ý kiến, lập luận của mình. Mặt khác, đối với các thầy giáo, cô giáo, từ những kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa cần đưa ra những thí dụ liên hệ trong thực tiễn; kích thích tư duy sáng tạo của học sinh bằng những vấn đề, tình huống có thật trong cuộc sống. Về lâu dài, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần coi trọng giáo dục học sinh "biết làm" chứ không phải "làm theo". Trong chấm thi nên đưa ra đáp án mở, không bắt buộc thí sinh trả lời đúng từng chi tiết, từng câu, từng ý so với đáp án, mà thí sinh có thể đưa ra được quan điểm, lập luận của mình thiết thực với cuộc sống.
Thực tế hiện nay, việc giáo dục toàn diện cho học sinh luôn là vấn đề được ngành GD và ÐT, các bậc phụ huynh và cả xã hội quan tâm. Vì vậy, muốn có đề thi mở, đòi hỏi trong nhà trường không chỉ chú trọng dạy những kiến thức cơ bản mà còn cả giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh. Giúp học sinh quan tâm bạn bè và người chung quanh, những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội.
Ðối với học sinh, để làm được đề thi mở sẽ không còn phụ thuộc vào những gì đã "thuộc" được từ sách vở, mà còn phải có ý thức tự vươn lên, tự tìm tòi, sáng tạo, để có kiến thức thực tiễn. Ðó là "hành trang" cần có để tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
-----------------------------------------------  

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top