Sau 3 năm triển khai thực hiện công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục-đào tạo trong các nhà trường quân đội cho thấy đây là công cụ quan trọng để quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng GD-ĐT của các nhà trường trong giai đoạn mới…
Giờ học thực hành của học viên Học viện Hậu cần trong phòng thí nghiệm.

Chủ trương đúng, hiệu quả thiết thực
Trước yêu cầu đổi mới, phát triển của nhiệm vụ GD-ĐT, từ cuối năm 2009, Tổng Tham mưu trưởng đã ký các quyết định thành lập các phòng, ban khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT tại các trường đại học, cao đẳng trong toàn quân. Đến thời điểm này, 24 phòng, ban đã được thành lập từ cơ quan Bộ Quốc phòng đến các nhà trường. Trung tướng, Tiến sĩ Phạm Xuân Hùng, Phó tổng Tham mưu trưởng, đánh giá: “Cơ quan khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT được thành lập, từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen trong công tác này...”.
Để triển khai thực hiện thống nhất, có chất lượng chủ trương trên, Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) phối hợp với Viện Bảo đảm chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở 3 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ hoạt động cho 100 chuyên gia đánh giá chất lượng giáo dục đầu tiên của quân đội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ chuyên trách của các trường. Nhiều trường chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các trường trong và ngoài quân đội. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT và lực lượng sư phạm trong các nhà trường đã cơ bản nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quy trình công tác, nhất là việc đổi mới tổ chức thi, tự đánh giá chất lượng trường, chương trình đào tạo, thanh tra, kiểm tra…
Sau 3 năm, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đã hoàn thành biên soạn 2.520 bộ đề thi, đáp án thi học phần, môn học đưa vào quản lý chặt chẽ trong ngân hàng đề thi; tổ chức tốt việc lấy ý kiến phản hồi của người học cho gần 1.600 lượt giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục với hơn 10 vạn phiếu ý kiến. Tại Học viện Lục quân, nhờ đổi mới phương pháp quản lý đề thi, đáp án và tổ chức chấm thi tập trung tại các khoa đã thúc đẩy ý thức tự giác học tập của học viên, 3 năm qua không còn học viên vi phạm quy chế phải xử lý. Là một trong những trường “tiên phong” ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT, Trường Sĩ quan Thông tin sử dụng hiệu quả mạng thông tin nội bộ để kiểm soát chất lượng bài giảng, chất lượng tự học của học viên, đặc biệt phần mềm “sinh đề” của trường giúp việc “bốc thăm” đề thi, kiểm tra một cách ngẫu nhiên, khoa học… Đại tá Hoàng Hoa Châu, Phó cục trưởng Cục Nhà trường nhận xét: Các phòng, ban khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT đã tham mưu hiệu quả cho thủ trưởng các cấp trong tổ chức thi, kiểm tra bảo đảm chặt chẽ, khách quan, chống tiêu cực và bệnh thành tích trong dạy học, đồng thời triển khai tích cực tự đánh giá chất lượng trường, chương trình đào tạo và chuẩn bị đánh giá ngoài…”.
Theo Cục Nhà trường, đến nay 100% các môn học trong các trường quân đội đã xây dựng hệ thống câu hỏi, đề thi, đáp án sát nội dung chương trình đào tạo, bảo đảm tính tổng hợp, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học. Tiến độ tự đánh giá đạt 75% (18/24 trường), các trường còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Việc tự đánh giá chương trình đào tạo đã được 7 trường tiến hành với 26 chương trình đào tạo. Sau tự đánh giá, các trường đã triển khai tốt “kế hoạch hành động sau tự đánh giá”, có các biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu, rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng GD-ĐT…
Một buổi chấm thi tập trung tại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn.  Ảnh: Chu Huyền

Khẳng định “thương hiệu” trường quân đội
Do đây là công tác mới, nhận thức của một số cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa đầy đủ, thống nhất. Cùng một thời điểm triển khai, song tiến độ tự đánh giá của một số trường còn chậm; việc khảo thí mới tập trung nhiều ở bậc đại học; với đào tạo sau đại học còn mức độ... Kinh nghiệm của Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, một trong 3 trường quân đội được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen về công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT là: “Nhà trường thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của trên, tham quan, học hỏi kinh nghiệm các trường trong và ngoài quân đội; tổ chức tập huấn và tuyên truyền để cán bộ, giảng viên, học viên cùng nắm vững và tham gia vào các nội dung công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng  GD-ĐT” - Đại tá Trần Hùng Tĩnh, Trưởng ban khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT nhà trường chia sẻ.
Thời gian tới, cùng với quán triệt, triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Quân ủy Trung ương về “Công tác GD-ĐT trong tình hình mới” và Đề án 63 của Bộ Quốc phòng về “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội”; các nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm chuyển biến nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT, coi đây là một công cụ để đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng GD-ĐT, khẳng định “thương hiệu” nhà trường quân đội trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đội ngũ cán bộ trực tiếp tiến hành công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT hầu hết đều từ cơ quan đào tạo chuyển sang, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn. Cùng với kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp tục kiện toàn về tổ chức, biên chế, lực lượng cơ quan khảo thí và bảo đảm chất lượng GD-ĐT các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các cấp, phấn đấu có những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này của quân đội. Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Cục phó Cục khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất: “Bộ Quốc phòng cần quan tâm nâng cao năng lực của các trường, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chuyên trách của các phòng, ban; đào tạo, bồi dưỡng để có những cán bộ chuyên gia trong các nhà trường và toàn quân; tham gia làm kiểm định viên trong các đoàn kiểm định, đánh giá chất lượng trường của Bộ GD-ĐT…”.
Từ năm học 2013-2014 trở đi, các trường quân đội sẽ tổ chức chấm thi tập trung, đồng thời triển khai xây dựng phòng thi trắc nghiệm trên máy vi tính, hoàn thiện tự đánh giá, lập kế hoạch đánh giá ngoài và tự đánh giá chương trình đào tạo… Cục Nhà trường cần hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất, cụ thể việc tổ chức chấm thi tập trung, xây dựng các phòng thi trắc nghiệm trong các nhà trường. Thực tế  tại các trường cũng cho thấy: Do nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng phòng thi trắc nghiệm (giá hàng tỷ đồng) của các trường cần có lộ trình thực hiện, kết hợp “trên dưới cùng làm”. Đặc điểm của các trường quân đội vừa đào tạo theo trình độ, vừa đào tạo theo cấp học (cấp phân đội, cấp chiến dịch, chiến lược…), nội dung, chương trình đào tạo có những đặc thù riêng, nên cần nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá riêng với các trường quân đội, để việc tự đánh giá chất lượng trường và đánh giá ngoài bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, hiệu quả, thiết thực đáp ứng  yêu cầu đổi mới, phát triển của các nhà trường… 
-----------------------------------------------  

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top