"Làm sao các em chịu đựng nổi những trang Sử khô khan, kèm theo đó là các môn học, môn nào cũng nặng"
Quá hàn lâm
PV: Sau khi công bố lựa chọn môn thi tốt nghiệp, đã xuất hiện tình trạng cả trường không có học sinh nào chọn thi môn Sử. Ông có bất ngờ trước thực trạng này không? Từ chuyện xé đề cương Sử khi biết không phải thi tốt nghiệp, đến việc không lựa chọn môn Sử như hiện nay, điều này lại một lần nữa nhắc nhở điều gì trong việc dạy và học môn Sử hiện nay, thưa ông?
GS.NGND Vũ Dương Ninh: Hiện tượng học sinh không thích học Sử và không chọn thi môn Sử, đó là hiện tượng vừa đáng buồn, vừa đáng lo ngại.
Đáng buồn là về mặt cảm xúc, còn đáng lo ngại là vì một thế hệ trẻ mà không quan tâm đến lịch sử, thì trong tương lai sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Trong khi, lịch sử VN là những trang sử hào hùng, hấp dẫn, tinh thần ấy trong thời kháng chiến đã đi vào tâm hồn rất nhiều thanh niên, sinh viên và chính họ lại trở thành những người chiến sĩ chiến đấu rất anh dũng trên các mặt trận.
Bây giờ tại sao như vậy? Theo tôi, một là, trong chương trình môn học, tham nhiều kiến thức quá, dồn cho học sinh khá nhiều kiến thức. Về mặt lý thuyết tưởng như vậy là rất tốt, nhưng về mặt thực tế là không thích hợp.
Hai là, nội dung và cách diễn đạt không phù hợp với lứa tuổi, vì học sinh cấp 2, cấp 3, mới là lớp thiếu niên, mới chớm tuổi thanh niên. Tôi gọi là đội ngũ quàng khăn đỏ, giỏi lắm mới tiến lên đeo huy hiệu Đoàn.
GS.NGND Vũ Dương Ninh
GS.NGND Vũ Dương Ninh
Vậy thì làm sao các em chịu đựng nổi những trang Sử khô khan. Cộng với các môn học khác, môn nào cũng nặng, tạo nên một sức đè nặng, làm sao các em chịu đựng được.
Chính vì vậy, không riêng môn Sử, mà cần có sự tính toán lại chương trình nói chung cho phù hợp tâm sinh lý học sinh phổ thông, phù hợp điều kiện thời gian và sức chịu đựng của các em.
Do vậy, việc cải cách cần bắt đầu từ chương trình, chương trình từng môn trong chương trình tổng thể, xác định rõ mục tiêu giáo dục, mục đích và điều kiện học tập của học sinh.
PV: Khi phân tích về nguyên nhân học sinh không yêu Sử, rất nhiều chuyên gia đã nói tới vấn đề cách dạy và học môn Sử hiện nay không phù hợp. Vậy theo ông, sự không phù hợp ấy cụ thể như thế nào?
GS.NGND Vũ Dương Ninh: Tôi nghĩ nếu cho rằng vì SGK nhiều sự kiện quá, thì cũng không hẳn là như vậy. Sách lịch sử mà loại bỏ sự kiện, chỉ còn những nhận định chung chung thì còn đâu là lịch sử nữa.
Vấn đề là chọn lựa các sự kiện như thế nào và nếu những sự kiện được kể một cách hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi thì cũng là điều thú vị chứ.
Nhưng trong SGK hiện nay,các sự kiện được trình bày dồn nén do quy định về thời lượng của môn học và số lượng trang viết nên dẫn đến hiện tượng mất đi cảm xúc.
Sự kiện này nối sự kiện kia, mỗi sự kiện không tự nở ra đem lại cảm xúc cho học sinh. Hơn nữa, người viết sách được chọn từ các GS, TS trong các trường ĐH và các Viện nghiên cứu, có trình độ cao nhưng lại không trực tiếp giảng dạy các cháu nên không hiểu hết “cái tuổi nghịch ngợm”, viết quá nghiêm chỉnh, quá hàn lâm.
Do vậy,cần kết hợp giữa các vị GS với các thầy cô giáo giỏi ở THPT, để từ kinh nghiệm thực tiễn có thể viết sách phù hợp với lứa tuổi học sinh..
Bên cạnh đó, vấn đề luyên thi và đề thi hiện nay chi phối cách học, Tuy có cố gắng cải tiến nhưng trong nhiều năm qua, đề thi còn nặng nề đòi hỏi nhớ nhiều thiếu gợi mở. Học trò học để thi thì không có cách nào khác hơn là học thuộc.
Hơn nữa, một thời còn có ý kiến chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”, không được nói khác, không được nói thiếu, vì vậy làm nó mất đi khả năng sáng tạo, truyền đạt, tính hấp dẫn của môn học.
Dĩ nhiên, nhà trường nói chung phải nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm. Nhưng nói rộng ra, xã hội cũng có phần trách nhiệm. Nói xã hội nhỏ là các bậc phụ huynh có chú ý việc con học Sử, Địa như thế nào không, hay chỉ lo mỗi môn Văn.
Nếu Văn không phải là môn thi bắt buộc thì chắc chắn số học sinh thích môn văn, chọn môn Văn cũng giảm sút. Bởi học Văn bây giờ cũng không giống học Văn ngày xưa. Cứ như vậy, vị thế của các môn khoa học xã hội đều bị tụt xuống.
Không mấy vị phụ huynh hướng dẫn con em đọc truyện tranh lịch sử trong khi hiện nay đang có khá nhiều loại này, in đẹp, thậm chí làm rất công phu. Điều đó chứng tỏ nhiều vị chưa thực sự quan tâm chuyện này.
Học sinh hiện nay quá thụ động và phải tiếp thu quá nhiều kiến thức
Học sinh hiện nay quá thụ động và phải tiếp thu quá nhiều kiến thức
Nên xác định rõ, chúng ta dạy Sử là để các em có kiến thức phổ thông về lịch sử chứ không phải để trở thành người làm về lịch sử, chuyên môn về lịch sử. Đội ngũ làm Sử của đất nước ta không cần nhiều, nhưng kiến thức mặt bằng về Sử trong xã hội thì phải biết, phải biến thành kiến thức phổ thông.
Xem lại quy chế tự chọn môn thi
PV: Theo ông, để cải thiện tình hình, việc thi hay không thi có phải là quan trọng không? Vậy thì phải làm thế nào, Bộ GD ĐT có thể thay đổi việc này hay không và vì sao?
GS.NGND Vũ Dương Ninh: Tôi nghĩ rằng trước nay, môn Sử không được đặt đúng vị trí của nó. Trong một xã hội đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc trau dồi kiến thức khoa học công nghệ là rất quan trọng và cần rất nhiều nguồn nhân lực.
Việc số đông học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên, hướng đi vào các ngành công nghệ là hợp lý, rất cần được khuyến khích.
Nhưng để làm tốt một nghề nghiệp gì thì trước hết họ phải là một công dân có trách nhiệm với cộng đồng, một người lao động có phẩm chất. Nhiệm vụ của các môn khoa học xã hội (bao gồm cả văn, sử, địa, giáo dục công dân…) trong trường phổ thông chính là ở chỗ này.
Cần xây dựng cho học sinh một mặt bằng kiến thức về khoa học xã hội, đủ để các em hiểu vè nghĩa vụ công dân của mình dù làm ở ngành nghề nào, đứng ở vị trí nào trong xã hội. Được biết ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc…, môn Sử được coi là bắt buộc, người nước ngoài muốn nhập quốc tịch phải qua kỳ thi về ngôn ngữ và lịch sử của nước đó.
Nhiều cơ quan, công ty khi phỏng vấn để tuyển dụng nhân viên cũng có những câu hỏi về lịch sử.
Ở ta, quy chế thi phổ thông năm này có 2 môn thi bắt buộc là Văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Các em sẽ chọn những môn theo hướng thi tuyển sinh đại học, như vậy về mặt kiến thức sẽ lệch.
Tôi đề nghị trong 2 môn tự chọn nên quy định một môn về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và một môn về khoa học xã hội (Sử, Địa, Ngoại ngữ). Như vậy, kiến thức phổ thông của học sinh sẽ càn bằng hơn, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người về phẩm chất và trí tuệ.
Tôi nghĩ rằng vấn đề dạy và học Sử trong trường phổ thông đã được thảo luận trong nhiều cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến rất tâm huyết, nhưng mấy năm qua, mọi việc vẫn dừng tại chỗ! Đã đến lúc phải đi vào hành động cụ thế thì mới thay đổi được tình hình. Đó là mong muốn của nhiều thày cô giáo và của cả xã hội.
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top