Mùa tuyển sinh 2014, Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ điểm sàn Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) và thay vào đó sẽ có một Hội đồng tư vấn giúp Bộ trưởng về việc đặt ra những tiêu chí cụ thể để xét tuyển thí sinh (TS) vào ĐH, CĐ. Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Có ý kiến cho rằng quy định như vậy chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ bị bỏ ngỏ.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc dùng điểm sàn làm ngưỡng để vào ĐH, CĐ không còn phù hợp.
Phức tạp?
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khi được hỏi đều khá vui mừng trước thông tin bỏ điếm sàn. Ngược lại, một số lãnh đạo trường ĐH công lập tỏ ra khá băn khoăn, lo lắng.
Ông Hoàng Minh Sơn- Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần có một chuẩn đầu vào vì đó ngưỡng tối thiểu để vào học ĐH, tùy các khối ngành khác nhau.
Đại diện ĐH Khoa học Huế cho rằng: Bỏ điểm sàn ngay năm nay là hơi sớm. Trước khi quyết định bỏ điểm sàn, Bộ cần phải xây dựng được khung tiêu chí đánh giá chất lượng TS bởi lâu nay điểm sàn là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu vào tối thiểu của TS. Khi các tiêu chi đánh giá còn chưa được xây dựng và đang rất mơ hồ sẽ gây khó khăn trong việc tuyển sinh chung.
Cũng theo vị đại diện trên, việc Bộ lập ra một Hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng sẽ khiến bộ máy nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, vì việc tư vấn có thể năm nay thế này, năm sau khác. Làm gì cũng cần phải có luật và cần ổn định trong một khoảng thời gian để cả TS và nhà trường kịp thích ứng.
Một lãnh đạo trường công lập khá bức xúc: Bộ GD-ĐT đã quá "nuông chiều" trường ngoài công lập.
Theo một hiệu trưởng trường sư phạm tại TP.HCM thì điểm sàn là mức tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường ngoài công lập. Nếu bỏ điểm sàn thì Bộ GD-ĐT cần có chính sách tuyển sinh phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, nếu buông lỏng quản lý thì hậu quả sẽ khó lường. Việc buông lỏng trong tuyển sinh sẽ đẩy các trường và cả người học rơi vào vòng luẩn quẩn, chất lượng đầu vào kém sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo, khi đó xã hội sẽ đánh giá thấp sản phẩm đào tạo của nhà trường và nhà trường sẽ lại gặp khó trong tuyển sinh.
"Tôi cho rằng nếu các trường ngoài công lập không cải thiện chất lượng đào tạo thì dù Bộ GD-ĐT cho phép các trường hạ điểm sàn đến mức thấp nhất cũng không thu hút được TS", vị hiệu trưởng này nói.
Trước những lo lắng trên, ông Bùi Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học- Bộ GD-ĐT khẳng định: Để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, đòi hỏi việc đào tạo phải phát huy năng lực của người học. Vì vậy, việc tuyển sinh cũng phải hướng đến tuyển theo năng lực chứ không còn là kiểm tra kiến thức.
"Bộ GD-ĐT thấy rằng đã đến lúc dùng điểm sàn để làm ngưỡng tối thiểu vào ĐH, CĐ không còn phù hợp nữa. Cần có các tiêu chí khác thay thế để đánh giá đúng năng lực của người học. Hơn nữa, năm nay Bộ đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Một số trường tuyển sinh riêng đã có những tiêu chí khác để làm ngưỡng xét tuyển nên điểm sàn sẽ không còn là điều kiện duy nhất làm tiêu chí xét tuyển", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên ông Tuấn vẫn khẳng định: "Dù không có một mức điểm sàn chung nhưng dựa trên mức điểm thi của TS, có thể Bộ sẽ thống kê và công bố phổ điểm của từng môn thi, từ đó đưa ra những mức điểm tương ứng với số phần TS đạt được. Dựa vào những mức điểm này, các trường có thể lựa chọn phương án xét tuyển. Tuy nhiên, Bộ có thể giới hạn mức điểm thấp nhất là bao nhiêu để các trường không thể lấy ở mức thấp quá. Đây cũng sẽ là bước tập dượt để phân tầng ĐH".
Nên xác định điểm sàn môn thi
Theo ông Lê Trường Tùng- Hiệu trưởng ĐH FPT: Bỏ điểm sàn không có nghĩa là bỏ sàn. Cách đơn giản nhất là Bộ GD-ĐT khống chế chặt chẽ chỉ tiêu của từng trường dựa vào giảng viên, cơ sở vật chất, suất đầu tư trên đầu sinh viên, và để sàn này cho từng trường ĐH tự quyết định. Hoặc nếu Bộ GD-ĐT chưa hoàn toàn yên tâm về chất lượng thì ngoài việc khống chế chỉ tiêu, có thể xây dựng sàn theo quan điểm mở hơn. Đó là kết hợp kết quả học tập phổ thông, điểm thi tốt nghiệp phổ thông và điểm thi ĐH; việc kết hợp không chỉ đơn thuần là cộng lại để lấy điểm chuẩn mà có thể sử dụng thay thế lẫn nhau và xét điểm số của môn đặc thù với từng khối ngành.
Theo đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh "3 chung” thì cần xác định điểm sàn các môn. Việc xác định điểm sàn các môn thi phụ thuộc phổ điểm cụ thể của từng môn và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối thi đó. Từ đó, các trường có thể áp dụng một, hai hoặc ba sàn môn và nhà trường có quyền quyết định việc này. Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn môn thì các trường cũng ra quyết định ngay, thậm chí các trường cũng có thể công bố trước bộ để TS được biết và tập trung đầu tư vào những môn này.
Về xác định phương án trúng tuyển ĐH, CĐ, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, đề xuất: Dù có thành lập Hội đồng tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra những tiêu chí cụ thể để xét tuyển TS vào ĐH, CĐ thì tiêu chí điểm trúng tuyển vẫn được đặt ra.
Ví dụ như TS thi khối A vào các khoa ngành khác nhau như Toán học, Hóa học, Vật lý, cơ khí, điện tử viễn thông... thì nhà trường xác định môn thi chủ lực của khoa, ngành đào tạo, tiếp sau môn chủ lực là môn thi liên quan gần và liên quan xa.
"TS thi vào ngành Hóa đương nhiên phải lấy điểm số của môn Hóa học làm chủ lực. Môn Hóa TS phải đạt tối thiểu 5 điểm, còn môn liên quan gần là Toán phải đạt 3 điểm, môn liên quan xa là Vật lý có thể đạt 1, hoặc 2 điểm, miễn không đạt điểm liệt (0 điểm). TS thi vào ngành Toán học, môn Toán là môn thi chủ lực, môn Vật lý là môn liên quan gần và Hóa học là môn liên quan xa", ông Nhĩ nói. 
-----------------------------------------------

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top