Hè rồi mà từ nhà trường, gia đình đến học sinh, nhất là học sinh vẫn không có cảm giác nhẹ nhõm, vui sướng. Đó là một nghịch lý, một thực tế. Cứ hè về, nếp sống thường ngày của mỗi gia đình và toàn xã hội lại bị đảo lộn bởi một nhu cầu - Thêm!


Hè, tất cả các trường, từ mẫu giáo đến đại học, đóng cửa. Thời gian đó trẻ em đi đâu, làm gì? Hệ thống các nhà văn hóa thiếu nhi quá thiếu, ngay ở các thành phố lớn cũng chỉ đáp ứng được 20% số học sinh muốn tham gia sinh hoạt, mà mỗi tuần cũng chỉ một vài tiếng. Không có sự trợ giúp của ông bà, những gia đình trẻ, vợ chồng cùng bận mưu sinh, lập nghiệp, sẽ làm gì với đứa con trong độ tuổi mẫu giáo, cấp 1? Còn thầy, cô giáo, trong mấy tháng hè làm gì cho hết thời gian, công việc thời vụ gì phù hợp để thêm thu nhập?...


Dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của gia đình, của giáo viên bởi xã hội chưa đủ cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để giúp phụ huynh quản lý trẻ trong dịp hè. Nói là dạy thêm, học thêm nhưng thực chất đó là "hợp đồng ngầm giữa gia đình và giáo viên về việc quản lý những trẻ nghỉ hè". Như vậy, ban đầu "Thêm" có mục đích tốt, nhưng dần dần nó biến tướng, có khi trở thành bắt buộc vì không phải phụ huynh nào cũng có nhu cầu và không phải giáo viên nào cũng có điều kiện "thêm hè". Và nó bị lên án, bị cấm, nhưng vẫn tồn tại và phát triển bởi vẫn có nhu cầu.

Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định mới về dạy và học thêm, có thay đổi so với quy định năm 2007. Tuy vậy, dư luận vẫn cho rằng rất khó thực hiện vì một số điều bổ sung chỉ làm sự việc biến tướng và rắc rối thêm, bởi nó không chỉ ra được bản chất thực sự của vấn đề: Đó là quản lý học sinh trong hè chứ không phải dạy hay học thêm. Tuyệt đối cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ 3 trường hợp là bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, kỹ năng sống. Trẻ tiểu học chưa thể tự lo khi vắng bố mẹ, rất dễ bị tổn thương về mọi mặt, ngoài giờ học 3 môn đó, ai lo cho chúng? Thay vì hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi giáo viên vi phạm lệnh cấm theo quy định cũ, nay "người thừa hành luật pháp" là chính quyền địa phương, vì trong hè hiệu trưởng không thể quản lý nổi giáo viên; còn chính quyền nắm rất rõ mọi việc trên địa bàn. Liệu có chuyện hiệu trưởng thực sự không nắm được hoạt động hè của giáo viên khi giáo viên muốn "thêm" phải được phép của hiệu trưởng? Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học "Bộ không thể cấm giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh mình đang dạy chính khóa bởi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các em khi có nhu cầu chính đáng được theo học những thầy, cô giáo giỏi". Vậy nếu thầy, cô không giỏi thì sao, có bị cấm không?...

Cách đây chưa lâu, giáo viên sẽ rất xấu hổ khi nhiều học sinh mình dạy phải phụ đạo hè. Còn giờ đây, ai dám chắc rằng trong giờ chính khóa giáo viên không giữ lại ít "tuyệt chiêu" để tung ra trong hè? Chắc chắn học sinh rất biết chuyện phụ huynh và giáo viên, ban phụ huynh và nhà trường cũng liên kết để "lách luật" khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Chỉ không biết chúng nghĩ gì về hành vi đó. Không biết chúng nghĩ gì khi những người dạy chúng biết cấm dạy thêm mà vẫn cứ dạy?...

Câu chuyện "hè thêm" sẽ còn tiếp tục một khi chưa giải quyết được vấn đề quản lý học sinh trong dịp hè và đạo đức người thầy.

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Post a Comment


Top